Thanh thiếu niên Việt Nam, đặc biệt là các em học sinh trung học cơ sở sẽ là "những lá cờ đầu" tham gia giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo. Và các thầy giáo, cô giáo chính là những người dẫn đường.
Ông Rahul Sehgal, Giám đốc về Chính sách quốc tế, tổ chức Soi Dog International Foundation cho biết, không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của thế hệ trẻ trong việc dẫn dắt xã hội trong tương lai. Bằng việc cung cấp kiến thức, thông tin và những kỹ năng cần thiết, chúng tôi tin rằng thanh thiếu niên Việt Nam có thể thúc đẩy những thay đổi xã hội tích cực, phòng chống bệnh dại, sống an toàn - nhân đạo với vật nuôi, bao gồm việc ngừng tiêu thụ thịt chó và mèo. Điều này giúp đẩy lùi bệnh dại và nhiều bệnh truyền nhiễm khác từ chó, mèo lây sang con người.
Theo bà Trịnh Đan Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, với vai trò là nơi dạy, học tập và phát triển kỹ năng cá nhân, bà hy vọng, các trường THCS tại Hà Nội nói chung và tại quận Đống Đa nói riêng sẽ cung cấp cho các học sinh đủ kiến thức và kỹ năng để các em tự tin đối mặt và góp phần giải quyết các vấn đề của chính cá nhân các em cũng như của xã hội.
Phòng, chống bệnh dại, sống an toàn - nhân văn với thú cưng (chó, mèo) và dần tiến đến chấm dứt hoạt động buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo đang trở thành một vấn đề quan tâm của xã hội. Ngành Giáo dục và Đào tạo có nhiều hình thức dạy và học như các chương trình dạy học chính khóa, ngoại khóa. Việc lồng ghép các nội dung về bảo vệ bản thân, bảo vệ động vật nuôi (chó, mèo),... vào các hoạt động ngoại khóa là lựa chọn phù hợp và hiệu quả nhằm truyền cảm hứng và khuyến khích các em học sinh.
"Chúng tôi nỗ lực trong khả năng của mình để giáo dục các em về bệnh dại, cách phòng chống bệnh dại, sống an toàn - nhân đạo với vật nuôi để dần hướng tới việc không còn hoạt động buôn bán, tiêu thụ thịt chó mèo", lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa chia sẻ.
Nguồn tin: TRANG THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn