Nhà giáo dục học Comenxki đã từng nói: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”.
Cũng như lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao sứ mệnh của giáo dục: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.”. Chính vì thế mà vị trí, vai trò của người thầy luôn từ ngàn đời xưa luôn được xã hội tôn vinh với sự kính trọng, tin tưởng: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, xứng đáng với sự tôn kính của dân ấy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi nhà giáo phải là người có đức và có tài: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng”.
Bác luôn đề cao và yêu cầu cao đối với nghề dạy học xuất phát từ việc trồng cây đã khó, trồng người còn khó hơn. Sản phẩm của “trồng người” là tạo ra con người của thế hệ tương lai, do đó không được phép làm ra “phế phẩm”. Một người cán bộ, một công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, vài công trình, nhưng một người giáo viên tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu. Người nói: “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”. Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu. Một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”.
Lời Bác dạy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức” cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn tươi mới, thiết thực đối với ngành Giáo dục - Đào tạo, là kim chỉ nam cho các thế hệ những người làm công tác “trồng người”. Bác bôn ba khắp năm châu bốn bể để tìm ra chân lí sáng ngời, xua đi bóng đêm tăm tối, đưa dân tộc đến bến bờ hạnh phúc, vinh quang. Cả đời Bác không mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình, một lòng lo nghĩ cho dân cho nước. Đạo đức Hồ Chí Minh có sức lan tỏa vô biên, thấm sâu vào từng trái tim, ý chí con người Việt Nam. Là một Đoàn viên - giáo viên tôi cần noi gương Bác học hỏi và trau dồi hơn nữa đạo đức nghề nghiệp trong sự nghiệp “trồng người” hiện nay.
Theo tôi, nguyên tắc này đặt nền tảng cho sự nghiệp “trồng người” của mỗi giáo viên chúng ta. Tất cả chúng ta hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất. Nghiêm túc chấp hành nội quy, thực hiện quy chế chuyên môn, không đi trễ, về sớm, chuyên tâm nghiên cứu, tìm tòi những phương pháp giảng dạy hay, kĩ thuật, phương pháp dạy học mới, tích cực để dạy cho học sinh dễ hiểu nhất, tiếp thu kiến thức một cách khoa học nhất.
Không những thế, người giáo viên cần nhất là phải khắc ghi chữ “tâm”, chữ “đức” trong công tác. Cái tâm, cái đức của người thầy là sự thể hiện của những chuẩn mực đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là: “Trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thương yêu con người và tinh thần quốc tế thủy chung trong sáng”. Người giáo viên như tấm gương trong cho học sinh soi vào và noi theo, trước hết là ở đạo đức và phẩm chất:
“Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được” – Usinxki. Phấn đấu dạy tốt, học tốt, công tác tốt tất cả vì mầm non của đất nước thân yêu, khắc phục khó khăn để hoàn thành công tác là kế thừa ở Bác những phẩm chất cao quý: “Suốt đời tận tụy vì dân, vì nước”. Sự quan tâm của người thầy bằng tất cả trái tim, bằng tấm lòng chân thành sẽ dạy dỗ thiếu niên, nhi đồng nên người. Tình cảm ấy sẽ cảm hóa những học sinh ương bướng, chưa ngoan trở thành người tốt. Người thầy giáo tốt là những người truyền cảm hứng, là những người hùng vô danh. Không gì tự hào, vẻ vang hơn việc chăm lo, dạy dỗ con em nhân dân đạt thành tích tốt trong học tập, giúp các em khám phá những năng lực tiềm ẩn để phát huy, lan tỏa những điều tích cực trong cuộc sống, định hướng bản thân rõ ràng, trở thành người công dân tốt có ích cho xã hội.