Cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ I, năm 2022

Thứ năm - 02/06/2022 17:48
Phòng GD ĐT quận Đống Đa phát động tham gia hưởng ứng Cuộc thi xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ I, năm 2022.
tải xuống
tải xuống
Cuộc thi xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ I, năm 2022.
Xem tại đây: /uploads/news/2022_06/59.pgddt-22.pdf

THỂ LỆ

Cuộc thi xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ I, năm 2022

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1338/QĐ-BGDĐT ngày 19 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

__________

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Mục đích

1. Khơi dậy ý thức chủ động, sáng tạo xây dựng thiết bị dạy học số nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

2. Xây dựng và phát triển Kho học liệu số về thiết bị dạy học số có chất lượng. Các thiết bị dạy học số được chia sẻ và sử dụng rộng rãi trong các sơ sở giáo dục.

3. Bổ sung nguồn tư liệu dạy học, thiết bị dạy học có chất lượng, đã được kiểm duyệt để sử dụng trong công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là những nơi chưa có điều kiện mua sắm đầy đủ trang thiết bị dạy học. Hỗ trợ các đơn vị trong việc chuẩn bị thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục theo đúng mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng và hình thức dự thi

1. Phạm vi: Cuộc thi được tổ chức trên phạm vi toàn quốc.

2. Đối tượng dự thi

a) Các cá nhân hoặc nhóm cá nhân đang cư trú tại Việt Nam quan tâm đều có thể nộp sản phẩm tham dự Cuộc thi (sau đây gọi chung là tác giả); các cá nhân chưa đủ 18 tuổi khi tham dự Cuộc thi phải được sự đồng ý của người giám hộ;

b) Thành viên của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Tổ Thư ký giúp việc Ban Tổ chức, Hội đồng đánh giá không được phép dự thi.

3. Hình thức dự thi: Các tác giả có thể dự thi theo hình thức cá nhân hoặc nhóm tác giả. Một nhóm tác giả không quá 03 (ba) thành viên.

Điều 3. Sản phẩm dự thi

1. Sản phẩm dự thi là thiết bị dạy học được xây dựng/thiết kế/số hóa để sử dụng hoàn toàn hoặc một phần trên môi trường số phục vụ cho công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên. Cụ thể:

a) Tư liệu dạy học: Bộ tranh ảnh, video clip;

b) Phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo;

c) Thiết bị thí nghiệm thực hành được kết nối và có thể tương tác được trên máy tính;

d) Các sản phẩm không thuộc điểm a, b, c của khoản 1 Điều này nhưng có thể sử dụng trên môi trường số để tăng cường sự trải nghiệm của người học và có thể thay thế thiết bị dạy học truyền thống.

2. Yêu cầu về sản phẩm dự thi

a) Sản phẩm dự thi phải đảm bảo tính khoa học, thẩm mỹ và sư phạm, phù hợp với các hướng dẫn của Bộ GDĐT về mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương pháp dạy học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ GDĐT ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học, Thông tư số 38/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ GDĐT ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp trung học cơ sở và Thông tư số 39/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ GDĐT ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp trung học phổ thông;

b) Sản phẩm có thể thay thế các thiết bị dạy học truyền thống hoặc những thiết bị thí nghiệm/dụng cụ thí nghiệm không thể sử dụng được trong lớp học;

c) Sản phẩm dự thi không vi phạm các quy định Luật sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật liên quan (nếu có).

Điều 4. Thời gian tổ chức Cuộc thi

1. Thời gian tiếp nhận sản phẩm dự thi từ ngày 01/7/2022 đến hết ngày 15/8/2022.

2. Thời gian hoàn thành việc đánh giá sản phẩm ở Vòng Sơ khảo: trước ngày 01/10/2022.

3. Thời gian tiếp nhận bình chọn của xã hội đối với các sản phẩm dự thi tại website của Cuộc thi từ ngày 10/10/2022 đến 25/10/2022.

Điều 5. Điều kiện đối với những người tham gia tổ chức Cuộc thi

1. Những người tham gia tổ chức Cuộc thi phải có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao và không trong thời gian bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, thành viên các Hội đồng đánh giá còn phải là những người có năng lực chuyên môn tốt, có kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội đánh giá. Những người có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; người giám hộ; người được giám hộ (gọi chung là người thân) có sản phẩm dự thi không được tham gia các Hội đồng đánh giá của Cuộc thi.

 

Chương II. TỔ CHỨC CUỘC THI

 

Điều 6. Đăng ký và nộp sản phẩm dự thi

1. Các sản phẩm dự thi phải được đăng ký và nộp theo hình thức trực tuyến tại website của Cuộc thi: http://tbdhs.moet.gov.vn

2. Những nội dung cần nộp:

a) Tệp dữ liệu chứa sản phẩm dự thi: Sản phẩm dự thi (thiết bị dạy học số) được đóng gói dưới dạng tập tin nén (.zip). Đối với các sản phẩm dự thi là kết nối dụng cụ thí nghiệm thực hành với máy vi tính phải nộp/trình bày sản phẩm thực tế khi có yêu cầu từ Ban Tổ chức Cuộc thi hoặc Hội đồng đánh giá Vòng Sơ khảo/Chung khảo;

b) Mô tả về sản phẩm dự thi: chứa đầy đủ thông tin về thiết kế và mô tả sản phẩm dự thi, thuyết minh về tính ứng dụng và thực tiễn trong việc dạy và học được lưu dưới định dạng .pdf;

c) Video clip ứng dụng sản phẩm trong quá trình dạy và học, được xuất bản theo một trong các định dạng sau: .MP4 (thời lượng không quá 10 phút).

3. Đối với các sản phẩm dự thi theo nhóm tác giả: nhóm tác giả sử dụng tài khoản của một thành viên trong nhóm để đăng ký sản phẩm dự thi; khi đăng ký sản phẩm cần điền đầy đủ thông tin của các thành viên trong nhóm tác giả và các thông tin theo hướng dẫn.

4. Các tác giả có thể đăng ký một hoặc nhiều sản phẩm dự thi. Mỗi sản phẩm chỉ được đăng ký dự thi 01 lần.

5. Khi đăng ký sản phẩm dự thi, tác giả phải chọn đơn vị đăng ký là Sở GDĐT nơi tác giả đang công tác, học tập và làm việc.

Điều 7. Đánh giá sản phẩm Vòng Sơ khảo

1. Sở GDĐT chủ trì thực hiện đánh giá sản phẩm dự thi Vòng Sơ khảo.

2. Hội đồng đánh giá Vòng Sơ khảo của Cuộc thi do Sở GDĐT thành lập gồm các thành phần sau:

a) Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Sở GDĐT;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo cấp phòng của Sở GDĐT;

c) Thư ký: Chuyên viên các phòng của Sở GDĐT, lãnh đạo và giáo viên trường phổ thông;

d) Giám khảo: Mỗi môn học có một Tổ giám khảo gồm tối thiểu 03 người do Tổ trưởng phụ trách trực tiếp. Thành viên tổ giám khảo là chuyên viên của sở GDĐT/lãnh đạo trường phổ thông/giáo viên. Trong đó, có ít nhất 01 người trực tiếp giảng dạy môn học mà sản phẩm dự thi hướng đến. Tùy theo số lượng sản phẩm Hội đồng đánh giá có thể tổ chức nhiều Tổ Giám khảo cho cùng một môn học.

3. Nguyên tắc đánh giá:

a) Tổ giám khảo thực hiện đánh giá sản phẩm dựa trên tiêu chí của Thể lệ Cuộc thi. Tổ trưởng Tổ Giám khảo của môn học căn cứ tình hình thực tế để quyết định hình thức làm việc của Tổ giám khảo là tập trung hoặc độc lập;

b) Điểm đánh giá cuối cùng của sản phẩm tại Vòng Sơ khảo là điểm trung bình của các Giám khảo đánh giá bài thi đó;

c) Các Sản phẩm dự thi vi phạm đường lối, chủ trương và chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như các sản phẩm không phù hợp để sử dụng trong dạy và học phải được hủy bỏ.

4. Tổ chức thực hiện đánh giá sản phẩm:

a) Sở GDĐT sử dụng tài khoản được Bộ GDĐT cấp trên website của Cuộc thi để tạo tài khoản cho các Giám khảo và phân công giám khảo đánh giá;

b) Các giám khảo đánh giá và cho điểm từng sản phẩm trực tiếp tại website của Cuộc thi. Trong trường hợp cần thiết, Giám khảo có thể đề nghị Sở GDĐT yêu cầu Tác giả của các sản phẩm tại điểm c khoản 1 Điều 3 của Thể lệ này nộp sản phẩm thực tế để tổ chức đánh giá.

5. Căn cứ kết quả đánh giá của các Tổ giám khảo, Hội đồng đánh giá Vòng Sơ khảo quyết định và phân loại các sản phẩm thành các nhóm như sau:

a) Nhóm 1: Các sản phẩm không được công bố và sử dụng;

b) Nhóm 2: Các sản phẩm có thể công bố rộng rãi, sử dụng ngay trong công tác dạy và học;

c) Nhóm 3: Các sản phẩm thuộc Nhóm 2 và được Hội đồng đánh giá Vòng Sơ khảo đề nghị tham gia Vòng Chung khảo (tối đa không quá 10% tổng số sản phẩm của Nhóm 2).

Điều 8. Đánh giá sản phẩm Vòng Chung khảo

1. Bộ GDĐT thành lập Hội đồng đánh giá Vòng Chung khảo đối với các sản phẩm được sở GDĐT đề xuất tham gia Vòng Chung khảo, gồm:

a) Lãnh đạo Hội đồng: Lãnh đạo cấp Cục/Vụ của Bộ GDĐT;

b) Thư ký Hội đồng: Chuyên viên các Cục/Vụ của Bộ GDĐT;

c) Giám khảo: Giáo viên, giảng viên, chuyên gia giáo dục am hiểu về thiết bị dạy học và giảng dạy.

2. Nguyên tắc đánh giá:

a) Giám khảo thực hiện đánh giá sản phẩm dựa trên tiêu chí được quy định trong Thể lệ Cuộc thi. Chủ tịch Hội đồng đánh giá Vòng Chung khảo quyết định cách thức làm việc của Hội đồng;

b) Điểm đánh giá cuối cùng của sản phẩm tại Vòng Chung khảo là điểm trung bình của các Giám khảo đánh giá bài thi đó.

3. Căn cứ kết quả đánh giá của các Tổ giám khảo, Hội đồng đánh giá Vòng Chung khảo đề xuất các sản phẩm đạt giải và gửi Ban Tổ chức Cuộc thi.

4. Tổ chức thực hiện đánh giá sản phẩm:

a) Ban Tổ chức tạo tài khoản và phân công Giám khảo đánh giá theo yêu cầu của Hội đồng đánh giá Vòng Chung khảo;

b) Các Giám khảo cho điểm đánh giá từng sản phẩm trực tiếp tại website của Cuộc thi. Trong trường hợp cần thiết, Giám khảo có thể đề nghị Ban Tổ chức yêu cầu các sản phẩm tại điểm c khoản 1 Điều 3 của Thể lệ này nộp sản phẩm thực tế để tổ chức đánh giá.

Điều 9. Thang điểm, tiêu chí đánh giá

1. Các sản phẩm dự thi được chấm theo thang điểm 100, là số tự nhiên.

2. Tiêu chí đánh giá

a) Tính khoa học: 30 điểm;

b) Tính sư phạm và thẩm mỹ: 25 điểm;

c) Tính sáng tạo và ứng dụng: 30 điểm;

d) Tiêu chí khác: 15 điểm.

3. Chi tiết tiêu chí đánh giá sản phẩm dự thi được quy định tại phụ lục kèm theo Quyết định này.

Điều 10. Xếp giải Cuộc thi

1. Các giải của Cuộc thi:

a) Giải thưởng dựa trên kết quả đánh giá của Hội đồng đánh giá Vòng Chung khảo gồm có: giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và giải Khuyến khích.

b) Giải thưởng do xã hội bình chọn: Ban Tổ chức trao giải cho 10 sản phẩm dự thi được xã hội bình chọn và đánh giá cao nhất trên website của Cuộc thi.

2. xếp giải và cơ cấu giải thưởng của vòng Chung khảo:

a) Các sản phẩm dự thi được xếp thứ tự của toàn Cuộc thi theo điểm đạt được từ cao xuống thấp để xếp giải;

b) Tổng số giải, từ Khuyến khích trở lên, không vượt quá 30% số sản phẩm được tham gia Vòng Chung khảo. Trong đó, số lượng giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải; số lượng giải Nhì không vượt quá 10% tổng số giải; số lượng giải Ba không vượt quá 25% tổng số giải.

c) Tùy theo chất lượng sản phẩm của Cuộc thi, Ban Tổ chức có thể xem xét lựa chọn 01 sản phẩm đạt giải Nhất để trao giải Đặc biệt.

d) Dự kiến giải thưởng:

- Giải Nhất: 01 máy tính xách tay;

- Giải Nhì: 01 máy tính để bàn;

- Giải Ba: 01 máy tính bảng;

- Giải Khuyến Khích và Giải thưởng do xã hội bình chọn: 01 máy tính bảng.

Điều 11. Quyền lợi của các tác giả

1. Các tác giả có sản phẩm đạt giải Đặc biệt, Nhất, Nhì trong Cuộc thi được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

2. Các tác giả có sản phẩm đạt giải Ba, giải Khuyến khích và giải thưởng do xã hội bình chọn được cấp Giấy chứng nhận đạt giải của Ban Tổ chức Cuộc thi.

3. Các tác giả có sản phẩm tham gia Vòng Chung khảo nhưng không đạt giải được cấp Giấy chứng nhận tham gia Vòng Chung khảo của Ban Tổ chức Cuộc thi.

 

Chương III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 12. Trách nhiệm của Bộ GDĐT

1. Chỉ đạo tổ chức Cuộc thi; quyết định phương án xử lý các tình huống bất thường, các tình huống phát sinh trong Cuộc thi.

2. Thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Hội đồng đánh giá Vòng Chung khảo để chỉ đạo và tổ chức Cuộc thi.

3. Huy động các nguồn xã hội hóa để trao giải, khen thưởng cho Cuộc thi.

Điều 13. Trách nhiệm của các sở GDĐT

1. Phổ biến Thể lệ Cuộc thi đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

2. Chỉ đạo các phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục tổ chức, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh tham gia dự thi. Hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở cho các tác giả được tham dự lễ trao giải;

3. Chủ trì tổ chức đánh giá Vòng Sơ khảo của Cuộc thi; bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết cho hoạt động đánh giá Vòng Sơ khảo của Cuộc thi (ở đơn vị cấp tỉnh).

Điều 14. Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục

1. Phổ biến Thể lệ Cuộc thi này đến toàn thể giáo viên trong nhà trường.

2. Khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên, học sinh có thể tham gia Cuộc thi.

Điều 15. Trách nhiệm của tác giả tham gia Cuộc thi

1. Nghiên cứu kỹ Thể lệ Cuộc thi.

2. Xây dựng và nộp sản phẩm dự thi đúng yêu cầu, đúng thời gian quy định.

3. Phối hợp với Ban Tổ chức, đơn vị chủ quản trong việc đăng ký dự thi, nộp sản phẩm dự thi; tham gia các diễn đàn trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng khi có yêu cầu.

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

_________

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

 

 

 

Phụ lục
TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1338/QĐ-BGDĐT ngày 19 tháng 05 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 

TT

Tiêu chí đánh giá

Nội dung tiêu chí

Điểm tối đa

1

Tính khoa học

a) Bám sát yêu cầu về thiết bị dạy học tối thiểu và nội dung giảng dạy

10

b) Thể hiện được mục đích, yêu cầu của bài học mà sản phẩm hướng đến

10

c) Tính chính xác về khoa học

10

2

Tính sư phạm và thẩm mỹ

a) Tính trực quan, định hướng hoạt động nhận thức tích cực và kích thích khả năng sáng tạo, tư duy học tập của người học

10

b) Nội dung kiến thức có thể truyền tải

10

c) Khả năng tương tác với người học

5

3

Tính sáng tạo và ứng dụng linh hoạt

a) Ý tưởng thiết kế

10

b) Sản phẩm có thể sử dụng cho nhiều lớp học, môn học và các chủ đề dạy học khác nhau

10

c) Sản phẩm có thể sử dụng cho nhiều phương thức, phương pháp dạy học khác nhau

10

4

Tiêu chí khác

a) Bảo đảm an toàn; dễ cài đặt, sử dụng; có khả năng tái sử dụng

5

b) Chất lượng âm thanh, hình ảnh của sản phẩm

5

c) Khả năng phát triển sản phẩm sử dụng vào các mục đích khác nhau

5

 

 

TỔNG ĐIỂM

100

 
 

Nguồn tin: ST

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây