BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG TRÁNH XÂM HẠI CƠ THỂ
1. Khái niệm xâm hại cơ thể:
- Là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc và các hình thức gây tổn hại khác.
2. Thực trạng của xâm hại cơ thể hiện nay:
- Trung bình cứ mỗi 8 giờ trôi qua lại có 1 trẻ em Việt Nam bị xâm hại tình dục. Đa số thủ phạm là người quen của nạn nhân.
- Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em.
- Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%. Số liệu thống kê năm 2016 của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho thấy, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội trên toàn quốc đã phát hiện hơn 1373 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với hơn 1352 đối tượng; trong đó đã khởi tố hàng trăm vụ án hiếp dâm trẻ em (chiếm 30,1%), với 438 bị can (chiếm 32,3%); 465 vụ án giao cấu với trẻ em (chiếm 33,8%), với 461 bị can (chiếm 34,1%). Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong 5 năm (từ năm 2012 - 2016), Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 9.305 vụ với 10.656 bị cáo. Trong đó, đưa ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm 8.674 vụ (chiếm 93,2%), với 9.873 bị cáo (chiếm 92,65%).
3. Nguyên nhân dẫn đến xâm hại cơ thể:
- Do phụ huynh thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm, chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em.
- Do nhận thức pháp luật của 1 bộ phận người dân còn hạn chế; khả năng phòng vệ và tự vệ của nạn nhân còn non nớt, công tác phát hiện, tố giác tội phạm còn gặp nhiều khó khăn, 1 số hình thức xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
- Do điều kiện sống và những rạn vỡ trong gia đình.
- Do công tác truyền thông, giáo dục, vận động XH chưa sát sao
- Do tác động của phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, những thông tin độc hại không được kiểm soát lan tràn trên mạng XH dẫn đến các hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn.
4. Hậu quả của xâm hại cơ thể:
- Về mặt thể chất: Hậu quả thường thấy nhất về mặt thể chất của trẻ là tình trạng chậm phát triển
- Về mặt hành vi: Trẻ thường thiếu tính tự nhiên, chủ động, không giao tiếp bằng mắt với xung quanh, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu bài
có các hành vi tự làm tổn thương bản thân
- Về mặt tâm lý:
+ Thứ nhất, trẻ không tin tưởng vào bản thân, vào người khác và vào môi trường xung quanh.
+ Thứ hai, trẻ thiếu lòng tự trọng về bản thân do mặc nhiên coi việc mình bị xâm hại là do lỗi của mình, do mình không tốt.
+ Thứ ba, trẻ cảm thấy bị tách biệt và mất mát đi kèm với những lo lắng căng thẳng do mất lòng tin
5. Cách phòng tránh xâm hại cơ thể:
- Cần an ủi, động viên người bị xâm hại “tiếp tục bước đi là việc làm cần thiết để có thể chữa lành vết thương”; và tránh khơi lại nỗi đau mất mát của trẻ.
- Tăng cường phối hợp giáo dục, quản lý chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
- Sớm đưa chương trình giáo dục vấn đề xâm hại tình dục, giáo dục giới tính theo từng cấp độ bậc học nhà trường cho phù hợp .
- Kịp thời quy định bổ sung vào Bộ luật hình sự một số tội danh để xử lý hình sự đối với một số hành vi liên quan đến việc xâm phạm tình dục trẻ em chưa được điều chỉnh bằng pháp luật hình sự.
- Giáo dục cho công chúng về những hậu quả tiêu cực của việc xâm phạm tình dục đối với trẻ em; ý thức trách nhiệm phát hiện, trình báo và việc giữ lại bằng chứng để làm cơ sở tố cáo kịp thời kẻ có hành vi xâm hại tình dục. Phổ biến tuyên truyền pháp luật về các quy định liên quan đến việc nghiêm cấm và xử lý các hành vi xâm phạm tình dục.
- Tăng cường tư vấn, trợ giúp và hỗ trợ về mặt xã hội cho các nạn nhân cũng như gia đình của họ.
- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi liên quan đến việc xâm phạm tình dục trẻ em và có cơ chế bảo vệ nạn nhân cũng như người tố cáo đễ họ mạnh dạn khai báo, tố cáo.
6. Câu hỏi tình huống:
Câu 1: Khi bị người khác đụng chạm vào vùng nhạy cảm, điều em phải làm ngay là gì?
A. La hét, đứng yên tại chỗ
B. Im lặng, đứng yên tại chỗ
C. La hét, chạy di, báo ngay cho người lớn
D. Đứng yên tại chỗ và khóc
Câu 2: Em sẽ làm gì khi thấy bạn mình bị xâm hại hoặc có dấu hiệu bị xâm hại tình dục?
A. Động viên bạn, kể cho bố mẹ và thầy cô để có biện pháp giúp đỡ bạn
B. Không quan tâm vì không phải chuyện của mình
C. Kể cho các bạn
D. Chọc ghẹo, kì thị bạn
Câu 3: Bộ phận riêng tư mà không ai có quyền được chạm vào là gì?
A. Mắt, mũi, tóc
B. Tay, chân, miệng
C. Ngực, mông, khu vực mặc đồ lót
D. Má, cổ, đầu
Câu 4: Đa số các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là:
A. Người thân quen
B. Người lạ
Câu 5: Hành vi nào là hành vi không phải xâm hại trẻ em?
A. Chụp ảnh khi trẻ không mặc quần áo
B. Trò chuyện cùng trẻ
C. Đụng chạm vào những vùng nhạy cảm của trẻ
D. Dẫn trẻ 1 mình đến những nơi vắng vẻ mà không có sự cho phép của bố mẹ trẻ.
Câu 6: Trong 1 bữa tiệc SN, đã đến giờ về nhưng bạn của em cứ muốn giữ em ở lại thêm, em sẽ làm gì?
A. Chấp nhận ở lại với bạn
B. Từ chối bạn vì đã khuya, em không thể ở lại được
Câu 7: Khi cần đi ra ngoài, em cần chú ý những gì?
A. Ăn mặc kín đáo, lịch sự
B. Không đi vào nơi tối tăm, vắng vẻ
C. Cả A và B đều đúng
D. Cả A và B đều sai
Nguồn tin: ST
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn